Các bạn vẫn luôn bị nhầm giữa lò nướng và lò vi sóng nhìn chúng rất giống nhau nhưng thực ra chúng lại có nguyên lý hoạt động khác nhau. Nếu bạn chưa biết cách phân biệt thì hãy cùng chuyên gia sửa chữa lò vi sóng theo dõi bài viết để có thể phân biệt chúng một cách dễ dàng hơn nhé!
- Lò vi sóng có những công dụng bất ngờ nào?
- Hướng dẫn cách kiểm tra dụng cụ dùng được trong lò vi sóng
- Tổng hợp những mã lỗi trên lò vi sóng
Xem thêm: Lò vi sóng không nóng và cách khắc phục
Công suất
Lò vi sóng thường có công suất thấp hơn lò nướng. Ví dụ lò dùng cho gia đình 4-5 người có công suất trung bình 900W, trong khi lò nướng sẽ cần công suất 1200W. Những lò vi sóng có chức năng nướng hầu như công suất nướng trong trường hợp này cũng chỉ đạt tới 1000W, hiệu quả nướng chín sẽ không đạt được như lò nướng đơn thuần.
Công dụng
+ Lò nướng
Lò nướng có chức năng nướng. Có thể lò có các chế độ nướng lửa trên, lửa dưới, quạt đối lưu để phù hợp với nhiều loại thức ăn khác nhau. Tùy từng loại lò, công suất, chế độ lửa, lò nướng được thịt gà, cá, sườn, bánh pizza và các loại bánh khác. Lò nướng bằng nhiệt và làm chín từ bề mặt bên ngoài.
Lò nướng phù hợp cho gia đình có nhu cầu nướng thịt, cá, làm bánh, tất cả các loại thực phẩm có nhu cầu nướng chín bằng nhiệt giống như khi sử dụng để nướng bằng bếp điện, bếp gas, bếp than.
+ Lò vi sóng
Một lò vi sóng căn bản có chức năng hâm, nóng, rã đông. Vì vậy, lò vi sóng phù hợp cho những gia đình có nhu cầu lớn về hâm nóng thức ăn, luộc rau củ quả. Khi hâm nóng món ăn bằng lò vi sóng, không cần cho thêm nước, cũng không sợ món ăn khô cháy hoặc dính với nhau mà hương vị vẫn còn nguyên. Tương tự, khi luộc rau, bạn cũng để nguyên đĩa rau vào lò vi sóng, không cần đổ nước, rau sẽ chín nhanh trong vòng vài phút, giữ nguyên màu sắc và mùi vị.
Một số lò vi sóng hiện nay có kèm theo chức năng nướng, tuy nhiên, việc nướng bánh và thức ăn bằng lò nướng vẫn hiệu quả hơn nhiều.
Cả lò nướng lẫn lò vi sóng đều có thể làm chín một con gà. Tuy nhiên, lò vi sóng làm chín gà ở dạng luộc, còn lò nướng làm chín gà ở dạng quay, làm cho da gà trở nên giòn, vàng và se cứng mặt phía ngoài.
Nguyên lý hoạt động
+ Lò nướng
Lò nướng hoạt động trên cơ chế truyền nhiệt bằng điện trở, làm nóng thức ăn bằng nhiệt trực tiếp từ ngoài vào trong.
+ Lò vi sóng
Lò vi sóng sử dụng sóng tần số cao khoảng 2.45GHz, được sinh ra từ nguồn magnetron, dẫn theo ống dẫn sóng vào khoang nấu, làm rung các phân tử chất lỏng, sự chuyển động này tạo ra nhiệt làm chín thức ăn từ bên trong.
Vì vậy, lò nướng tác động nhiệt vào mọi vật đặt trong lò, còn lò vi sóng chỉ tác động đến các phân tử thức ăn như nước, đường, chất béo, các chất hữu cơ khác. Nếu để một cốc nước vào lò nướng, toàn bộ từ cốc nước tới nước trong đó đều nóng lên, còn với lò vi sóng, nước sôi rất nhanh nhưng cốc vẫn không bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ, cho tới khi nhiệt độ nước truyền ra ngoài thành cốc.
Giá cả
Giá của một chiếc lò nướng tầm trung dùng cho gia đình giao động từ 800.000đ đến 1,2 triệu đồng. Còn giá thành một chiếc lò vi sóng cơ bản giá từ 1,2 đến 2 triệu. Những loại lò vi sóng có chức năng nướng ở phân khúc tầm trung giá khoảng 2 đến 3 triệu đồng.
Các lưu ý khi sử dụng
Với lò nướng, bạn có thể sử dụng bất cứ vật chịu nhiệt nào đựng thức ăn cho vào lò. Chỉ cần lưu ý không để vào lò các chất dễ cháy, dễ bắt lửa. Còn với lò vi sóng, bạn cần dùng các dụng cụ chuyên dụng như thủy tinh, sứ, không dùng các vật kim loại, hoặc đĩa sứ có hoa văn kim loại, không cho đĩa bằng chất dẻo thông thường vào lò. Bởi vì sóng cao tần có thể gặp kim loại, phản xạ lại gây ra tia lửa điện làm cháy nổ, rất không an toàn cho người sử dụng. Các vật dụng chất liệu nhựa, nilon cần phải kiểm tra xem có thuộc loại an toàn khi dùng trong lò vi sóng hay không, nếu không thì rất dễ tạo ra chất độc ảnh hưởng tới sức khỏe.
Lò nướng vẫn hoạt động bình thường khi không có thức ăn trong lò. Tuy nhiên, với lò vi sóng, nếu trong lò rỗng thì lò rất dễ bị cháy nổ. Do vậy, tốt nhất luôn luôn đặt một ly nước vào trong lò để đề phòng trường hợp vô ý cho lò hoạt động khi đã lấy thức ăn ra khỏi.
Các loại thức ăn bọc kín, trứng, trái cây có vỏ và mọng nước như nho, cà chua đều không được để vào lò vi sóng, bởi sóng cao tần sẽ làm tăng áp suất bên trong, gây nổ, nguy hiểm cho những người đứng gần lò.